
Trong các nhà thơ cũ giữa
giai đoạn tranh chấp “thơ cũ, thơ mới,” Tản Đà có địa vị rất cao. Có lẽ chính
vì thế, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn đã lựa chính Tản Đà để giễu cợt đầu
tiên.Trong bài “Cảm thu, tiễn
thu,” Tản Đà có những câu:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm…
Và:
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương …
Hình ảnh tuy đẹp nhưng không giống cảnh sắc Việt Nam .
Ngay trên Phong Hoá số 16 (tức số thứ ba của nhóm chủ biên
mới, ra ngày 6/10/1932) đã xuất hiện một bài thơ với tên tác giả là Bán Than
(một trong những bút hiệu khác của Khái Hưng), lấy nhan đề “Cảm thu” với những
câu như sau:
Nào đâu mặt đất ngô đồng rụng
Chỉ thấy bên đường đám cỏ tươi
Trai gái quanh hồ cười khúc khích
Sầu riêng thi sĩ lệ đầy vơi.
Hai tháng sau, trên Phong Hóa số 24 (ra ngày
2/12/1932), lại có một bức tranh “Cảm thu,” ký tên tác giả Đông Sơn (bút hiệu
khác của Nhất Linh). Bức tranh gồm hai phần, mang tiêu đề “Tưởng tượng” và “Sự
thật.” Trong phần “Tưởng tượng,” tác giả vẽ một thi nhân mơ màng nhìn lá
rụng, tuyết rơi …, cùng bầy nhạn đang bay trên trời mà ngâm nga. Trong phần “Sự
thật” ngay bên cạnh, ta thấy cảnh trời nắng chói chang, cây lá vẫn tươi tốt
(đúng cảnh “thu” của Hà Nội). Một người rất giống Tản Đà, một tay cầm dù che
nắng, tay kia cầm quạt vừa đi vừa quạt, khăn trên đầu lột ra khoác ở cánh tay
(vì nóng). Trên trời không thấy chim nhạn nhưng có hai phi cơ đang bay, tiếng
máy ồn ào. Ngay dưới bức tranh là mục “Giòng nước ngược” với một bài hát nói
của Tú Mỡ, nhan đề “Tả bức tranh cảm thu” với những câu như sau:
Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt
Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng?
Trên đường đi nóng rẫy như rang
Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ …
Công bình mà nói, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn không có ý chỉ trích
cá nhân Tản Đà. Họ chỉ muốn châm biếm những chỗ sáo, quá xa sự thực của các nhà
thơ cũ.