Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THƠ MỚI ( TT)



                 



  II.  Dùng Phong Hóa, Ngày Nay để vạch ra, chế giễu những chỗ dở, chỗ sáo rỗng của nhiều bài thơ cũ:


   Trong các nhà thơ cũ giữa giai đoạn tranh chấp “thơ cũ, thơ mới,” Tản Đà có địa vị rất cao. Có lẽ chính vì thế, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn đã lựa chính Tản Đà để giễu cợt đầu tiên.Trong bài “Cảm thu, tiễn thu,” Tản Đà có những câu:

                           Từ vào thu đến nay
                           Gió thu hiu hắt
                           Sương thu lạnh
                           Giăng thu bạch
                           Khói thu xây thành
                           Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
                           Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
                           Nhạn về én lại bay đi
                           Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm…

      Và:

                          Sắc đâu nhuộm ố quan hà
                          Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương …

        Hình ảnh tuy đẹp nhưng không giống cảnh sắc Việt Nam. Ngay trên Phong Hoá số 16 (tức số thứ ba của nhóm chủ biên mới, ra ngày 6/10/1932) đã xuất hiện một bài thơ với tên tác giả là Bán Than (một trong những bút hiệu khác của Khái Hưng), lấy nhan đề “Cảm thu” với những câu như sau:

                         Nào đâu mặt đất ngô đồng rụng
                         Chỉ thấy bên đường đám cỏ tươi
                         Trai gái quanh hồ cười khúc khích
                         Sầu riêng thi sĩ lệ đầy vơi.

         Hai tháng sau, trên Phong Hóa số 24 (ra ngày 2/12/1932), lại có một bức tranh “Cảm thu,” ký tên tác giả Đông Sơn (bút hiệu khác của Nhất Linh). Bức tranh gồm hai phần, mang tiêu đề “Tưởng tượng” và “Sự thật.”  Trong phần “Tưởng tượng,” tác giả vẽ một thi nhân mơ màng nhìn lá rụng, tuyết rơi …, cùng bầy nhạn đang bay trên trời mà ngâm nga. Trong phần “Sự thật” ngay bên cạnh, ta thấy cảnh trời nắng chói chang, cây lá vẫn tươi tốt (đúng cảnh “thu” của Hà Nội). Một người rất giống Tản Đà, một tay cầm dù che nắng, tay kia cầm quạt vừa đi vừa quạt, khăn trên đầu lột ra khoác ở cánh tay (vì nóng). Trên trời không thấy chim nhạn nhưng có hai phi cơ đang bay, tiếng máy ồn ào. Ngay dưới bức tranh là mục “Giòng nước ngược” với một bài hát nói của Tú Mỡ, nhan đề “Tả bức tranh cảm thu” với những câu như sau:

                       Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt
                       Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng?
                       Trên đường đi nóng rẫy như rang
                       Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ …

          Công bình mà nói, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn không có ý chỉ trích cá nhân Tản Đà. Họ chỉ muốn châm biếm những chỗ sáo, quá xa sự thực của các nhà thơ cũ.  

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THƠ MỚI



Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn cho nền văn xuôi Việt Nam tương đối dễ nhận thấy và đã được nhiều người đề cập tới. Nhưng các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn còn góp sức một cách rất đáng kể trong việc đưa phong trào Thơ Mới tới chỗ thành công
                                                                                                   Trần Huy Bích


 TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THƠ MỚI

 Khi nhiều nhà thơ mới có tài xuất hiện thêm trên thi đàn, hào quang rực rỡ của Thế Lữ có giảm đi phần nào, nhưng công của ông trong việc “dựng nền” cho phong trào Thơ Mới quả không thể phủ nhận. Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn cho nền văn xuôi Việt Nam tương đối dễ nhận thấy và đã được nhiều người đề cập tới. Nhưng các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn còn góp sức một cách rất đáng kể trong việc đưa phong trào Thơ Mới tới chỗ thành công.

 Qua hai tiếng “Thơ Mới,” chúng tôi muốn nói đến phong trào thơ do Phan Khôi khởi xướng với bài “Tình già,” đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 122 (tháng 3 năm 1932), được một vài nhà thơ như Lưu Trọng Lư hưởng ứng. Tuy nhiên, chỉ sau khi các nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn đã “nhập cuộc,” cộng thêm sự tham dự của một số thành viên khác (nhiều lúc nhân danh toàn nhóm), qua nhiều phương tiện khác nhau, nhất là trên hai tờ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay, phong trào này mới bộc phát mạnh mẽ, đưa “Thơ Mới” tới vị trí ưu thắng. Xin được trình bày sự kiện ấy qua những trang sau.

 I. Đóng góp của các nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn: Trong Tự Lực Văn Đoàn có ba nhà thơ, nhưng Tú Mỡ sáng tác theo các thể cũ, chỉ có Thế Lữ và Xuân Diệu là những nhà thơ hoàn toàn “mới.” Xin được đề cập tới hai nhà thơ này trước.


 THẾ LỮ:

 Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại, Thế Lữ là “một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới.” Cũng theo Vũ Ngọc Phan, “Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, … Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới.” Thơ của Thế Lữ không chỉ mới về lời mà còn về ý tưởng. Những ý ấy được ông diễn đạt một cách tha thiết, nồng nàn

                 Tôi chỉ là một khách tình si
                 Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể
                 Muợn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ
                 Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca
                 Đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ

 Cũng như vẻ Đẹp cao siêu hùng tráng của non nước, của thi văn, tư tưởng …
                                                                                (Cây đàn muôn điệu)

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

LỜI NGƯỜI NHẮN NHỦ - Ngọc Anh









                                                            Lời  Người  Nhắn  Nhủ



                                             Mai là ngày gì hẳn em còn nhớ

                                          Ngày này tháng cũ năm xưa

                                         Em quấn vội vành khăn trắng

                                         Trên đầu lũ con thơ ấu

                                          Thương nhớ anh em vật vã

                                              Mai là ngày gì anh vẫn nhớ

                                              Ngày này năm ấy mới như hôm qua

                                              Từ giã bạn bè anh bỏ cuộc chơi

                                              Nằm an nghỉ dưới gốc cây già

                                             Bạn bè cùng lũ giun dế

                                             Vui chơi với cỏ cây hoa lá

                                              Hòa tan trong lòng đất mẹ thân yêu

                                 Mai là ngày gì em hãy nhớ

                                Thắp sáng cho anh ngọn nến đỏ

                                Một nén nhang cho anh bớt lạnh

                                Bao năm qua nằm chốn cô quạnh

                                Thương con nhớ vợ chẳng về bên nhau

                                               Mai là ngày gì em hẳn nhớ

                                               Hãy thay vài bông hoa trong bình đã héo

                                               Em nhớ tô hồng thêm chút phấn

                                               Một chút son để anh cứ ngỡ

                                                Đời em không gian nan bạc bẽo

                                   Mai là ngày gì em hãy nhớ

                                   Trước mặt anh xin em đừng khóc

                                   Hãy nuốt nước mắt vào con tim

                                  Để hồn anh không vương vấn

                                  Không vội vàng lúc chia ly


                                                                 Ngọc  Anh

                                                        Đơn Dương   12 - 5 - 2014